Những ký ức không thể quên của Họa sĩ Đoàn Việt Tiến

4/16/2022 09:38:00 CH

 

Những ký ức không thể quên của Họa sĩ Đoàn Việt Tiến

Để có được thành công rực rỡ như ngày hôm nay, Kỷ lục gia Thế giới Đoàn Việt Tiến đã phải mất gần 30 năm khổ luyện để trở thành Họa sĩ duy nhất trên thế giới vẽ tranh bằng cả 2 bàn tay và vẽ ngược trên mặt sau của kính thủy tinh (nay là kính cường lực). Trong suốt 30 năm đó đã có rất nhiều câu chuyện vui, cảm động, dở khóc dở cười mà đến nay anh vẫn còn nhớ mãi...


Họa sĩ Đoàn Việt Tiến vẽ chân dung danh ca Chế Linh

50.000 đồng từ trên trời rơi xuống...

Họa sĩ Đoàn Việt Tiến kể: "Vào tháng giêng năm 1979 anh gác bút nghiêng lên đường tham gia bảo vệ Tổ quốc và chiến đấu tại đất nước bạn Campuchia. Sau cuộc chiến anh trở về đời thường làm nghề vẽ dạo để mưu sinh kiếm sống. Cuộc sống lúc ấy hết sức khó khăn, đi khắp nơi lên bờ xuống ruộng, tơi tả mưa nắng, dãi dầu vẽ hàng trăm bức vẽ mà vẫn nghèo khó, thiếu thốn trăm bề...



Một lần đi vẽ dọc theo dòng sông Cửu Long và các tỉnh miền Tây. Có lúc kiệt quệ về tiền bạc anh không còn 1 xu dính túi. Anh nhớ có một hôm khoảng 9 giờ tối xe đi gần tới phà Đình Khao (tỉnh Vĩnh Long), chiếc xe cà tàng lịch xịch sắp hết xăng mà trong túi sạch sẽ không còn tiền, bụng thì đói cồn cào khiến anh rất lo sợ, nếu lỡ xe tắt máy dọc đường thì không biết làm sao đây...



Đang lúc lo lắng, đầu óc suy nghĩ miên man thì bổng nhiên phía trước đèn pha của xe anh nhìn thấy một vật gì bay lên trước mặt, hình như là tờ tiền giấy 50.000 đồng! Anh dừng xe lại và dụi mắt nghĩ chắc mình đang bị ảo giác. Anh cúi xuống nhặt lên thì đúng là tờ 50.000 đồng, nhưng vẫn nghĩ chắc là tiền âm phủ người ta cúng ngoài đường! Cầm tờ tiền soi kỹ dưới ánh đèn xe và vuốt tới vuốt lui trong đôi tay run rẫy thì mới biết đó là tiền thật! Thế là sự may mắn kỳ lạ đó đã giúp anh đổ xăng và được ăn tô hủ tiếu no bụng để chờ phà trong tâm trạng bàng hoàng như vừa trải qua câu chuyện phép màu kỳ diệu".

Bị chủ nhà trọ cắt điện phải ra ngoài đường vẽ

Sau khi nhâm nhi ly trà, họa sĩ Đoàn Việt Tiến nằm xuống chiếc võng bên bờ hồ kể tiếp: "Cuộc đời anh lao đao lận đận, gian truân trắc trở như chiếc thuyền nan trôi dạt trước bão dông. Anh phải trải qua toàn là nghịch cảnh và ngang trái. Tính ra trong thời gian đó anh đã phải thuê mướn và dời chổ trên 70 lần, hành trình vẽ dạo qua hàng trăm chợ miền quê ở các tỉnh miền Tây trong cảnh lên bờ xuống ruộng.



Lần đó anh thuê căn nhà của người đàn bà khó tính, đến tháng chưa đủ tiền đóng tiền nhà bà ấy cắt điện. Trong lúc đêm tối không có ánh sáng để vẽ, chỉ còn nhờ chút đèn dầu đã cạn dần để vẽ chọ kịp bức tranh sáng mai hẹn giao cho khách. Thấy ánh sáng thoát ra từ cửa sổ nhà sát bên, anh đem tranh lại gần đó để vẽ. Bà chủ nhà phát hiện lấy tấm màn che lại. Thế là bóng tối lại bao trùm trong căn phòng trọ vốn đã tối tăm. Buộc lòng anh phải đem tranh ra cột đèn đường và ngồi vẽ, mặc cho các con bồ hóng, ván kiếng bu vào người và bay vèo vèo lẫn lộn trong sơn đến khó chịu tột cùng. Nhưng cuối cùng bức tranh cũng được hoàn thành khi trời vừa sáng!

10 năm trời được Mẹ soi đèn dầu để vẽ

Nhà họa sĩ Đoàn Việt Tiến ở vùng quê nghèo hẻo lánh thuộc hyuện Châu Thành, tỉnh bến Trẻ. 30 năm trước khu vực nhà anh chưa có điện, nên nhiều khi anh phải khổ luyện cả ban đêm dưới ánh đèn dầu. Thấy con miệt mài vẽ dưới ánh đèn hiu hắt, mẹ anh thường xuyên cầm đèn dầu soi cho anh vẽ. Mẹ anh vừa soi vừa chăm chú theo dõi từng ngón tay gầy guộc của con trên mặt kính mà nhiều lúc nước mắt cứ trào ra...



Nhiều lần mẹ anh cứ khuyên thôi để sáng vẽ đi con, khuya rồi nghỉ đi, mai vẽ tiếp. Nhưng lúc ấy dòng cảm xúc dâng trào trong tiềm thức, thôi thúc họa sĩ Đoàn Việt Tiến tiếp tục vẽ và vẽ. Anh nói mẹ mệt cứ vào ngủ trước đi, con vẽ xong sẽ ngủ sau. Nhưng mẹ anh thấy vậy cũng cùng thức soi đèn cho con vẽ đến khi bức tranh hoàn thành mới chịu đi ngủ. Nhìn bức tranh của con trai mà mắt bà sáng lên niềm vui và hi vọng, bao nhiêu mệt mỏi dường như cũng tan theo!



Cứ thế mà 10 năm đầu khi họa sĩ Đoàn Viêt Tiến khổ luyện vẽ tranh ngược trên mặt sau của kính thủy tinh bằng 5 đầu ngón tay, mẹ anh thường xuyên soi đèn cho anh vẽ và theo dõi từng bức tranh của con. Những hôm mẹ anh mệt hay bị bệnh, anh đốt lửa để luyện vẽ trước sân nhà.



Người mà anh chọn để khổ luyện chính là các bức chân dung Bác Hồ. Vốn từng là bộ đội nên anh vô cùng kính phục Bác - Người đã ròng rã mấy chục năm trời bôn ba khắp 5 châu 4 bể để tìm đường cứu nước. Không chỉ ngượng mộ, kính yêu mà con còn học được đức tính trung kiên, luôn tin tưởng vào ngày mai tươi sáng cho vận mệnh dân tộc, vận mệnh Tổ quốc. Cho nên anh cũng tin tưởng một ngày nào đó mình cũng sẽ thành công với phong cách vẽ có 1 không 2 của mình.



Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các lãnh đạo TP.HCM đến tham quan Triển lãm tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Đoàn Việt Tiến tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Thành công đầu tiên cũng chính là bộ sưu tập chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh được anh khổ luyện suốt 10 năm trời với tất cả lòng quyết tâm, kiên trì của một người lính trở về từ chiến trường Campuchia. Bộ sưu tập tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chính Minh của anh được Bảo tàng Hồ Chí Minh trang trọng tổ chức riêng một triển lãm cá nhân hoành tráng vào năm 1999.

Nhiều kỷ vật được Bảo tàng sưu tầm

Sau triển lãm chân dung Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chính Minh thành công lớn, tạo tiếng vang khắp nơi, Bảo tàng Bến Tre cũng mời họa sĩ Đoàn Việt Tiến vẽ tiếp 1 Bộ sưu tập khác vể chân dung Chủ tịch Hồ Chính minh để triển lãm tại đây. Các báo, đài và truyền hình cũng thực hiện nhiều phóng sự về họa sĩ Đoàn Việt Tiến.



Họa sĩ Đoàn Việt Tiến trao tặng chiếc đèn dầu cho đại diện Bảo tàng Bến Tre

Ngoài 30 bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và chân dung nhân vật tình báo anh hùng Phạm Ngọc Thảo, Bảo tàng Bến Tre còn đề nghị họa sĩ Đoàn Việt Tiến tặng lại một số kỷ vật và dụng cụ vẽ để họ sưu tập và trưng bày tại bảo tàng. Thấy bảo tàng lưu giữ sẽ tốt hơn và sau này thế hệ trẻ sẽ cũng như con cháu sẽ biết đến một thời khổ luyện của mình, nên họa sĩ Đoàn Việt Tiến đã trao cho bảo tàng 1 số kỷ vật, trong đó có chiếc đèn dầu mẹ anh soi cho anh vẽ cùng các hình ảnh tư liệu và những thước phim vẽ ngược trên kính.

Lột cả quần áo dính sơn và tranh bỏ đi để sưu tầm

Họa sĩ Đoàn Việt Tiến rất buồn cười khi kể lại câu chuyện này: "Lần đó anh sáng tác vẽ cùng lúc 2 bức tranh một cách xuất thần trong cảm hứng tột cùng, có người đàn ông quá ngưỡng mộ chạy tới tuột luôn cả bộ quần áo dính sơn của anh gói lại xin đem về giữ làm kỷ niệm (chắc để sưu tầm) và mua cả hai bức tranh anh đã vẽ xong.



Đây là người khách đã mua 2 bức tranh và lột luôn bộ quần áo còn dính sơn của họa sĩ Đoàn Việt Tiến để sưu tầm

Lần khác, có người khách tìm đến xưởng vẽ của anh vào lúc đêm khuya khoắc. Anh ta sau một hồi hì hục lựa chọn khắp các phòng tranh chưa thuận ý, cuối cùng lôi được ra một bức tranh mà trước kia anh bỏ bê nằm trong kho cũ kỹ. Bức vẽ này anh đặt tên là Sinh vật tiền sử, người đàn ông ấy cứ trầm trồ khen ngợi và rất ưng ý, tỏ ra vô cùng thỏa mãn cảm xúc và xin nhận sở hửu bức vẽ này rồi ra về. Anh cảm thấy vui và hơi lạ nhìn theo chiếc xe của người đó đến khi khuất dạng. Lúc đó nhìn lên trăng đã lên đỉnh đầu (cười)".



Bức tranh 'Sinh vật tiền sử'

Ăn chay thanh lọc 1 tuần trước khi vẽ Hòa thượng Thích Quảng Đức

Khi được hỏi về thời gian ở trong Tổ đình Quán Thế Âm để vẽ 2 bức chân dung Hòa thượng Thích Quảng Đức, họa sĩ Đoàn Việt Tiến nhớ lại: "Khi mời anh đến vẽ tranh Hòa thượng Thích Quảng Đức, Sư trụ trì Thích Thông Bửu đã dọn sẵn cho anh chỗ nghỉ ngơi đó là một cái hang trên là An Lạc Sơn. Hang rộng khoảng 1,5 m2 nên khi nằm ngủ người phải nằm cong người mới vừa.



Vì ở xung quanh chùa là con đường nhiều quán xá phức tạp, sợ anh ra ngoài bị ô uế nên nhà sư giữ anh và khuyên ở trong hang tịnh dưỡng, định tâm cho an ổn một tuần và ăn chay cho thanh lạc trước khi vẽ. Nhiều chuyện thú vị vì các cư sĩ có những đêm thấy thương anh đem trái cây như chuối, xoài... luồng qua khung sắt cho anh ăn đỡ thèm.



Sau 1 tuần chay tịnh, anh hắt tay vào vẽ tranh Hòa thượng Thích Quảng Đức. Lượt người cho đến xem đông đảo đến hàng vài trăm người là các Phật tử, các sư khắp các nơi từ Bắc, Trung, Nam đến xem anh vẽ và chiêm ngưỡng. Có người xem anh vẽ xong thích quá xin chữ ký của anh vào chiếc áo đang mặc của họ; có người còn cố tình cho tay anh dính còn sơn vào áo của họ giữ làm kỷ niệm...!



Chỉ sau đúng 2 buổi anh đã vẽ xong 2 bức tranh về Hòa thượng Thích Quảng Đức để cúng dường dâng tặng chùa. Bức thứ nhất có kích thước 90×120 cm (chân dung). Bức thứ hai: 1,7m x 2,4m (hình ảnh lúc tự thiêu). Anh chỉ nhận lộc 2 thùng mì và bao gạo chở ra xe đò về quê chia tay Tổ đình Quán Thế Âm, di tích sau cùng của Bồ tát Thích Quảng Đức trước khi đi ra tự thiêu.

Được Chủ tịch Fidel Castro tặng rượu, xì gà và chiếc áo pull

Sau khi nổi tiếng về vẽ chân dung các lãnh tụ, tháng 1 năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Đồng khởi Bến Tre, họa sĩ Đoàn Việt Tiến đã vẽ và trao tặng bức tranh chân dung Chủ tịch Fidel Castro cho Tổng lãnh sự quán Cuba.



Tháng 4/2001, khi chủ tịch Fidel Castro sang thăm Việt Nam, họa sĩ Đoàn Việt Tiến lại vẽ thêm bức chân dung tặng ông cùng với bức chân dung nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định (theo yêu cầu của Chủ tịch Fidel) và bức tranh về quê hương Việt Nam. Chủ tịch Fidel Castro rất cảm động, khen ngợi và tặng cho anh rất nhiều quà từ Caba mang sang gồm: 1 chiếc áo pull, 2 chai rượu quý, 1 hộp xì gà và 1 hộp hạt dẻ.



Năm 2016, khi Chủ tịch Fidel mất, họa sĩ Đoàn Việt Tiến lại là người được chọn vẽ bức chân dung để tặng trong ngày tang lễ của ông tại Thủ đô Lahabana. Bức chân dung được các nhà lãnh đạo Cuba đón nhận với tấm lòng cảm động và trân trọng trưng bày cố định tại Hội đồng Nhà nước Cuba. Còn bức chân dung của nữ tướng Nguyễn Thị Định cũng được trưng bày tại Bảo tàng Cuba vào tháng 12/2016.

Kỷ lục gia Thế giới Đoàn Việt Tiến cho biết: "Loại rượu Chủ tịch Fidel Castro tặng anh là loại rượu quý, rượu khử độc mà ông hay dùng và tiếp khách. Sau khi được tặng chai rươu, anh đem về ăn mừng và khui cho anh em cựu chiến binh Bến Tre cùng thưởng thức. Còn chiếc áo pull có in hình huyền thoại Che Guevara.



Sau đó anh đã vẽ thêm bức chân dung của anh hùng Che để tặng cho Chủ tịch Fidel. Còn chiếc áo thì bị mất cắp trong môt đêm mưa gió. Anh tiếc tới giờ. Hiện nay anh còn giữ vỏ chai rượu và hộp xì gà Cuba để làm kỷ niệm.

Danh ca Chế Linh nhờ vẽ chân dung cha

Trong lần về nước gần đây, danh ca Chế Linh đã đến thăm họa sĩ Đoàn Việt Tiến và nhờ anh vẽ cho nam danh ca tác phẩm Hành trang của tôi. "Bức tranh được vẽ qua tâm thức và khi hoàn tất, danh ca Chế Linh kinh ngạc vì trong tranh vẽ ra chính là chiếc xe cổ 4 chỗ màu trắng là phương tiện hành trang của ông suốt đường dài vẫn còn giữ đến nay nên ông thán phục", họa sĩ Đoàn Việt Tiến cho biết.

Sau đó danh ca Chế Linh còn nhờ họa sĩ Đoàn Việt Tiến vẽ chân dung cha mình, vì hình ảnh của ông đã không còn nữa. Qua lời kể và bằng phương pháp Tâm pháp họa, họa sĩ họ Đoàn đã vẽ bức chân dung cha của Chế Linh. Sau đó danh ca đem về đưa cho người chú xem và ông chú này nói rất giống.



Chế Linh đánh giá họa sĩ Đoàn Việt tiến trong một đĩa nhạc mới như sau: "Tôi rất vui khi về Việt Nam gặp Đoàn Việt Tiến, một nghệ sĩ đặc biệt đa tài đa dạng đây là những nhạc phẩm để gởi tình cảm đếncho anh" (lời nói đầu trong lời thoại đĩa nhạc mới của nam danh ca Chế Linh).

Danh ca Chế Linh cũng hi vọng lần sau khi về quê hương ông sẽ tiếp tục được đến thăm và đàm đạo với họa sĩ Đoàn Việt Tiến, một con người kỳ lạ và đặc biệt mà ông rất quý mến...

Duy England
Xem thêm:

Tin liên quan

Tin khác